Chẩn đoán thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch với bệnh nhân ung thư như thế nào?

04:29 Ngày 31/08/2021
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch gồm có 2 dạng là huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc động mạch phổi. Bệnh nhân ung thư là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Vậy chẩn đoán thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch đối với bệnh nhân ung thư như thế nào cho đúng? Cùng tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây nhé!.

Bài viết liên quan:

Lí giải huyết khối tĩnh mạch sâu thường nằm ở bộ phận nào?

Biện pháp phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu hiệu quả nhất

Mối liên hệ giữa thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và bệnh nhân ung thư

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có thể gặp ở các nhóm bệnh nhân sau phẫu thuật, nhóm đối tượng có bệnh suy tim, nhồi máu cơ tim, tiền sử suy giãn tĩnh mạch chi dưới, mắc bệnh phổi mãn tính, chị em mang thai hoặc người rối loạn đông máu bẩm sinh.... Tuy nhiên, nhóm đối tượng mắc bệnh lí ung thư bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cũng chiếm số lượng khá lớn.

Căn bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ung thư được mô tả lần đầu tiên năm 1865 do Armand Trouseau nghiên cứu. Thống kê chỉ ra rằng huyết khối tĩnh mạch sâu là “thủ phạm” gây tử vong cao thứ 2 ở bệnh nhân ung thư phổi, tụy, vú, tuyến tiền liệt, đường tiêu hóa....

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch với bệnh nhân ung thư

Mô phỏng con đường di chuyển của huyết khối gây thuyên tắc phổi

Nguyên nhân gây hình thành huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ung thư

Huyết khối tĩnh mạch sâu là biến chứng nguy hiểm của bệnh nhân mắc ung thư dạ dày, tuyến tụy, thận, bàng quang, buồng trứng, tử cung, trực tràng, vú.... Nguyên nhân là do các khối u ở nhóm bệnh nhân này có thể dẫn đến chèn ép tĩnh mạch, xâm lấn thành mạch. Ngoài ra, do tác động của quá trình điều trị bằng thuốc, bệnh nhân ung thư cũng có khả năng gia tăng nguy cơ đông máu, tăng fibrinogen máu, tăng yếu tố VIII trong máu.

Những bệnh nhân được điều trị bằng cách đặt đường truyền tĩnh mạch để truyền thuốc, xạ trị, hóa trị, phẫu thuật cũng làm nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch tăng cao. Nghiên cứu chỉ ra rằng điều trị bằng hóa trị làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch gấp 3 lần, do giảm nhanh chóng Antithrombin III trong huyết tương.

Ngoài ra, các yếu tố khác làm tăng thêm khả năng mắc huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ung thư như: chấn thương, nằm bất động trong thời gian dài, người cao tuổi máu huyết lưu thông kém, người nghiện thuốc lá, phụ nữ mang thai và sau sinh, người béo phì, thừa cân....

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch với bệnh nhân ung thư

Tổng hợp các yếu tố nguy cơ gây thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch 

Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu ở bệnh nhân ung thư

Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu do những triệu chứng lâm sàng như:

- Triệu chứng đau thường gặp ở bắp chân, có thể thấy tĩnh mạch chân nổi lên, cơn đau gia tăng khi gấp chân.

- Nóng chân, tăng chu vi bắp chân và đùi.

- Phù nề ở mắt cá chân.

- Tĩnh mạch nông giãn, màu sắc da chân đổi màu.

Tuy nhiên, triệu chứng lâm sàng không thể giúp chẩn đoán nhanh chóng huyết khối tĩnh mạch sâu do khoảng 50% bệnh nhân không có triệu chứng gì rõ rệt.

Ngày nay, Y học hiện đại đã đưa ra thang điểm WELLS giúp dự báo huyết khối tĩnh mạch sâu như sau:

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch với bệnh nhân ung thư

Thang điểm áp dụng cho bệnh nhân ung thư để chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch 

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần thực hiện một số xét nghiệm như:

- Xét nghiệm D-Dimer:

Nếu kết quả thu nhận được là dương tính thì chứng tỏ trong máu của bạn đã có sự thoái hóa fibrin, dẫn tới huyết khối tĩnh mạch. Nếu âm tính thường 95% không có cục máu đông trong chi chân cũng như ở phổi. Tuy nhiên, xét nghiệm này không có giá trị chuẩn xác như các xét nghiệm khác. Chỉ số của xét nghiệm này có thể bị ảnh hưởng do lần phẫu thuật gần nhất, hoặc do nhiễm trùng, chấn thương, mang thai, sản giật.... Vì vậy, chỉ nên coi xét nghiệm D-dimer là biện pháp hỗ trợ để chẩn đoán thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.

- Chẩn đoán hình ảnh huyết khối tĩnh mạch sâu:

Thực hiện siêu âm Doppler mạch máu. Đây là kĩ thuật không xâm lấn giúp đem đến hiệu quả chính xác lên tới 98%. Siêu âm huyết khối tĩnh mạch sẽ cho thấy hình ảnh không thấy ép xẹp tĩnh mạch, có huyết khối và chỉ số tăng/ giảm trống âm.

- Kĩ thuật chẩn đoán chụp tĩnh mạch cản quang:

Mặc dù đem lại hiệu quả nhưng ít được khuyến khích do chất cản quang có thể thoát ra ngoài, dẫn đến dị ứng với cơ thể. Phương pháp này đang ngày càng ít được thực hiện.

- Xét nghiệm về chỉ điểm khối u: 

Xét nghiệm này để làm rõ mối liên quan giữa ung thư và huyết khối tĩnh mạch.

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch với bệnh nhân ung thư

Tổng hợp xét nghiệm chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu 

Điều trị huyết khối tĩnh mạch đối với bệnh nhân ung thư

Thực tế ngăn chặn huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ung thư là vấn đề khá phức tạp do nguy cơ biến chứng cao. Người bệnh có thể phải đối mặt với xuất huyết, suy thận nếu không được sử dụng thuốc đúng liều lượng.

Hiện nay, Y học hiện đại khuyến cáo sử dụng một số loại thuốc trị huyết khối tĩnh mạch cho bệnh nhân ung thư như sau:

- Heparin trọng lượng phân tử thấp (LMWH): Trong giai đoạn đầu, các loại thuốc LWMH đã được nghiên cứu đem lại hiệu quả tốt hơn và giảm khả năng tử vong đột ngột do huyết khối. Thời gian khuyến cáo dùng khoảng 3 – 6 tháng với bệnh nhân ung thư, thậm chí có thể vô thời hạn tùy vào tình hình thể trạng.  Phác đồ điều trị như sau: (1) sử dụng Enoxaparin liều lượng 1mg/kg/2 lần/ngày (cách nhau 12 giờ), (2) là dùng Enoxaparin  liều lượng 1,5mg/kg/lần/ngày. Tham khảo dự phòng Enoxaparin 40mg/lần/ngày.

- Heparin không phân đoạn (UFH): UFH thường được chỉ định cho đối tượng mắc ung thư và suy thận. Liều lượng khuyến cáo ban đầu là 80 UI/kg, sau đó là liều 18 UI/kg/h, áp dụng tiêm tĩnh mạch. Dự phòng liều lượng 5000 UI/3 lần/ngày.

- Fondaparinux: Loại thuốc này thường áp dụng cho bệnh nhân ung thư có dấu hiệu suy giảm tiểu cầu do heparin (HIT).

- Thuốc chống đông máu theo đường uống (DOAC):  Phương pháp này đang được khuyến cáo không nên sử dụng cho bệnh nhân ung thư do nhiều nguy cơ gây xuất huyết.

Như vậy, huyết khối tĩnh mạch là căn bệnh nguy hiểm ở bệnh nhân ung thư. Những bệnh nhân ung thư cần được dự phòng ngăn chặn huyết khối tĩnh mạch để giảm thiểu nguy cơ đe dọa tính mạng.

Tags: Huyết khối tĩnh mạch , Điều trị huyết khối tĩnh mạch
 ĐĂNG KÝ GẶP DƯỢC SỸ
  • Currently 0/5
Chẩn đoán thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch với bệnh nhân ung thư như thế nào?
Điểm trung bình: 0 / 5 (0 lượt đánh giá)
Tin tức