Hẹp ống cổ tay: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị

09:25 Ngày 12/09/2022
Hẹp ống cổ tay có thể gặp ở nhân viên văn phòng, lái xe, công nhân đứng máy…. Điều trị hẹp ống cổ tay như thế nào? Có cần phải phẫu thuật không? Dưới đây là hướng dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa.

Nguyên nhân nào gây hẹp ống cổ tay?

Ống cổ tay có cấu tạo phức tạp, chịu sự chi phối chính của hệ thống dây thần kinh giữa. Hẹp ống cổ tay có thể gây nên hội chứng ống cổ tay. Yếu tố công việc thường xuyên lặp đi lặp lại hoạt động ở ống cổ tay cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Những người làm công việc lái xe, giáo viên, nhân viên văn phòng, nội trợ… thường có nguy cơ cao mắc hội chứng ống cổ tay.

Dấu hiệu nhận biết hẹp ống cổ tay

Triệu chứng thường gặp nhất của hội chứng ống cổ tay là tê bì, đau mỏi tay. Nhiều người bị đau từ sáng sớm đến chiều tối, dẫn đến làm việc không hiệu quả. Giai đoạn sớm, người bệnh nghỉ ngơi sẽ hết đau nhức. Giai đoạn sau, đau tê có thể kéo dài, nghỉ ngơi không hết, đau nhiều khi làm việc, vận động nặng.

Một số người còn gặp phải triệu chứng đau tê khi ngủ ngay cả khi không có bất cứ thứ gì đè lên tay vẫn cảm thấy tê nhức. Hẹp ống cổ tay nặng khiến hoạt động cánh tay, cầm nắm đồ vật trở nên khó khăn. Điều trị không đúng cách có thể dẫn đến biến chứng teo cơ, liệt cơ tay.

Khi nhận thấy các dấu hiệu đau mỏi, tê nhức tay, tốt nhất người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể hơn, tránh những biến chứng đến khả năng vận động.

Hẹp ống cổ tay

Cấu tạo phức tạp của ống cổ tay làm tăng nguy cơ mắc bệnh 

Hướng dẫn phân biệt hẹp ống cổ tay do hội chứng ống cổ tay và các bệnh lý khác

Khi thăm khám, bác sĩ chuyên khoa có thể khám lâm sàng, chẩn đoán khả năng vận động ở bàn tay. Trường hợp mắc hội chứng ống cổ tay sẽ nhận thấy tê nhức ngón tay cái, ngó trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn khiến việc cử động khó khăn hơn.

Để chẩn đoán chính xác hơn, bác sĩ sẽ thực hiện các nghiệm pháp kiểm tra áp lực ống cổ tay trong khoảng 60s, nếu thấy tê tay, máu huyết lưu thông kém sẽ có kết quả dương tính với hội chứng ống cổ tay.

Khi nhận được kích thích gõ ống cổ tay, người bệnh còn có cảm giác tê dần theo đường dẫn truyền của dây thần kinh giữa. Ngoài ra, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp điện cơ để chẩn đoán hội chứng ống cổ tay chính xác hơn.

Hẹp ống cổ tay do hội chứng ống cổ tay có thể gây chèn ép đến dây thần kinh trụ, dẫn đến rối loạn cảm giác ở ngón út và ngón áp út.

Trường hợp bệnh nhân bị chèn ép thần kinh ở cổ cũng có dấu hiệu gây tê và nhức bàn tay. Người bệnh thường có cảm giác đau cứng cổ, đau lan rộng từ cổ xuống vai, từ vai xuống đến cánh tay, hoặc từ đầu cánh tay xuống đến bàn tay. Thông thường, bệnh ở phần cổ thường duy trì trong thời gian dài và diễn biến có xu hướng ngày càng nặng.

Để phân biệt với hẹp ống cổ tay, chèn ép dân thần kinh giữa ống cổ tay và bệnh lý dây thần kinh ở cổ, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành kiểm tra xương cột sống cổ hoặc thực hiện test áp lực ống cổ tay để chẩn đoán chính xác hơn. Một số biện pháp chẩn đoán khác như: điện cơ tay, chụp MRI cột sống cổ….

Hẹp ống cổ tay

Đau tê tay do dây thần kinh giữa bị chèn ép 

Điều trị hẹp ống cổ tay có nhất thiết phải phẫu thuật không?

Hiện nay, điều trị hẹp ống cổ tay theo Tây y có 2 phương pháp là điều trị bảo tồn ngăn chặn biến chứng và phẫu thuật.

Điều trị bảo tồn bằng nội khoa, bác sĩ thường kê thuốc kháng viêm, tư vấn vật lý trị liệu để giúp máu huyết lưu thông, giảm chèn ép ống cổ tay hoặc dùng thuốc để tăng dẫn truyền dây thần kinh ống cổ tay. Cụ thể là:

- Nhóm thuốc kháng viêm: Bác sĩ sử dụng thuốc kháng viêm không Steroid. Liều dùng và thời gian sử dụng thuốc cần phải được cân nhắc để tránh biến chứng loét dạ dày hoặc suy giảm chức năng gan, thận.

- Nhóm thuốc hỗ trợ: Có thể áp dụng trong thời gian từ 3 – 6 tuần, ít gây tác dụng phụ hơn.

- Phương pháp vật lí trị liệu: Đây là sự kết hợp các bài tập vận động, massage cải thiện lưu thông máu giúp tăng hiệu quả điều trị.

Dùng thuốc và vật lý trị liệu thường áp dụng cho những đối tượng mắc bệnh nhẹ. Với trường hợp dùng thuốc nội khoa không hiệu quả hoặc bệnh kéo dài dẫn đến nguy cơ suy giảm khả năng vận động sẽ được bác sĩ tư vấn phẫu thuật ống cổ tay. Phẫu thuật gồm có các hình thức:

- Mổ hở: Đây là phương pháp mổ truyền thống, vết mổ hở khoảng 2 – 3cm.

- Mổ nội soi: Phương pháp mổ kết hợp với máy móc hiện đại, giúp tăng tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, phương pháp này thường có mức chi phí khá cao.

Thời gian mổ hẹp ống cổ tay thường rất ngắn, người bệnh có thể về ngay trong ngày. Những trường hợp sau mổ thấy chảy máu, đau nhức, khó chịu, vết thương mưng mủ… cần tới bệnh viện tái khám ngay để được bác sĩ sơ cứu kịp thời.

Sau khi phẫu thuật hẹp ống cổ tay, người bệnh cần chăm sóc vết thương cẩn thận. Ước tính sau khoảng 2 tuần, vết thương có thể lành sẹo và sau khoảng 6 tuần, người bệnh có thể sinh hoạt, cầm nắm đồ vật, hoạt động cánh tay bình thường.

Sau khi phẫu thuật hẹp ống cổ tay có tái phát không?

Ước tính tỉ lệ bệnh nhân mổ hở tái phát hẹp cổ tay chiếm tỉ lệ 0.9 - 1.2%, tức là khoảng 100 người sẽ có 1 người bị tái phát. Trường hợp mổ nội soi thường có tỉ lệ tái phát cao hơn mổ hở.

Làm thế nào để phòng tránh hẹp ống cổ tay?

Để phòng tránh hẹp ống cổ tay hay hội chứng ống cổ tay, bạn nên tránh các hoạt động lặp đi lặp lại gây áp lực lớn đến cổ tay. Một số thói quen khác không tốt cho ống cổ tay cũng nên loại bỏ như: nằm gối đầu tay, bẻ khớp tay…. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên tập vận động khớp cổ tay, duy trì các bài tập cải thiện lưu thông máu trong thời gian làm việc để ngăn chặn chèn ép dây thần kinh ống cổ tay.

Bài viết đã giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị hẹp ống cổ tay. Nếu bạn đang phải đối mặt với triệu chứng đau mỏi, tê nhức tay nên đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn thêm.

Tags: Hội chứng ống cổ tay
 ĐĂNG KÝ GẶP DƯỢC SỸ
  • Currently 0/5
Hẹp ống cổ tay: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị
Điểm trung bình: 0 / 5 (0 lượt đánh giá)
Tin tức