Vì sao bệnh động mạch chi dưới gây thiếu máu chi dưới?

04:24 Ngày 10/10/2023
Bệnh động mạch chi dưới là bệnh lý xảy ra khi có mảng xơ vữa tích tụ bên trong lòng động mạch, lâu ngày gây tắc nghẽn dòng máu. Phát hiện và điều trị bệnh động mạch chi dưới ở giai đoạn đầu sẽ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, cải thiện triệu chứng thiếu máu ở chân, và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bệnh động mạch chi dưới là gì?

Bệnh động mạch chi dưới (còn có tên gọi khác là bệnh động mạch ngoại biên) hình thành khi trong lòng động mạch có mảng xơ vữa tích tụ, dẫn đến nghẽn mạch máu. Mảng xơ vữa này gồm có: Chất béo, Cholesterol, Canxi và nhiều hợp chất khác. Khi những mảng xơ vữa tích tụ sẽ lớn dần lênvà thu hẹp động mạch, giới hạn lưu lượng máu đến các mô ở chân cũng như các bộ phần khác của cơ thể.

Vì dòng máu lưu thông kém nên người bệnh có thể trải qua cảm giác đau đớn ở chân do mạch máu chân nằm ở vị trí xa tim nhất. Lâu dần sẽ tiến triển thành các vết loét da khó lành. Càng để lâu nguy cơ nhiễm trùng da càng tăng cao. Đến giai đoạn nặng nhất, người bệnh có thể phải đối mặt với nguy cơ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ chi.

Vì sao bệnh động mạch chi dưới gây thiếu máu chi dưới?

Mảng xơ vữa tích tụ gây nghẽn mạch máu 

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh động mạch chi dưới như thế nào?

Triệu chứng điển hình nhất là đau chân cách hồi. Cơn đau thường xảy ra sau khi đi bộ một khoảng đường ngắn. Nguyên nhân của cơn đau là do không đủ lưu lượng máu và oxy đến các tế bào cơ trong chân trong quá trình hoạt động vận động. Vị trí của cơn đau thường ở bắp chân, mỗi khi người bệnh đi bộ và thường giảm đi sau khi nghỉ ngơi trong vài phút. Khi bắt đầu đi tiếp, đau có thể tái phát ở khoảng cách tương đương với quãng đường đã đi.

Ngoài ra, bệnh động mạch chi dưới có thể xuất hiện các dấu hiệu khác như:

- Da khô, nứt nẻ do lưu thông máu kém ở chân.

- Các vết loét xuất hiện trên bàn chân, đôi khi có nguồn gốc từ chấn thương hoặc tổn thương nhỏ khác.

- Nhiễm trùng chân có thể xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào các vết thương nhỏ và không được điều trị.

Trong trường hợp không điều trị, mô chân có thể bị tổn thương đến mức hoại tử. Hoại tử xảy ra khi một động mạch bị tắc nghẽn, ngăn cản việc cung cấp đủ máu và oxy cho mô chân. Các dấu hiệu của hoại tử chi bao gồm da thay đổi màu sắc, mùi hôi và sự xuất hiện của mủ do nhiễm trùng.

Vì sao bệnh động mạch chi dưới gây thiếu máu chi dưới?

Nhiễm trùng. hoại tử chân do mạch máu tắc nghẽn 

Các yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh động mạch chi dưới

Bệnh động mạch chi dưới thường xuất hiện do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:

- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể là nguyên nhân chính, vì thành phần của thuốc lá làm tích tụ của các mảng xơ vữa trong động mạch, dẫn đến tắc nghẽn.

- Béo phì: Tình trạng béo phì và chế độ ăn không cân đối cũng đóng góp vào tạo ra mảng xơ vữa và tắc nghẽn động mạch. Đối với những người có mức cholesterol cao trong máu do di truyền hoặc chế độ ăn giàu chất béo, nguy cơ tắc nghẽn động mạch cũng tăng lên.

- Lối sống ít vận động: Thiếu hoạt động thể chất là một yếu tố khác làm tăng nguy cơ, do lưu lượng máu lưu thông kém hơn. Thể dục thường xuyên đã được chứng minh là cách cải thiện lưu lượng máu và sức khỏe động mạch.

- Tăng huyết áp: Huyết áp cao có thể gây hại cho các thành động mạch, làm cho chúng dễ bị tắc nghẽn và thu hẹp hơn.

- Đái tháo đường: Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ cao hơn phát triển bệnh động mạch chi dưới, do dễ hình thành các mảng xơ vữa gây tắc nghẽn động mạch.

Những yếu tố này cùng nhau tạo ra nguy cơ cho sự phát triển của bệnh động mạch chi dưới và làm tắc nghẽn dòng máu trong động mạch.

Vì sao bệnh động mạch chi dưới gây thiếu máu chi dưới?

Một số dấu hiệu nhận biết nghẽn mạch máu 

Các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh động mạch chi dưới

Sau khi kiểm tra và xem xét bệnh sử, bác sĩ có thể yêu cầu một trong các xét nghiệm sau để xác định sự tắc nghẽn trong động mạch chi dưới:

- Siêu âm Doppler động mạch: Siêu âm Doppler màu sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh rõ nét về lưu lượng máu trong động mạch chi dưới. Phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện và đánh giá các tắc nghẽn do mảng xơ vữa tích tụ.

- Đo huyết áp tứ chi: Bác sĩ có thể đo huyết áp ở đùi, bắp chân và bàn chân cũng như cánh tay. Sự thấp huyết áp có thể là một dấu hiệu của tắc nghẽn động mạch, cho thấy rằng lưu lượng máu không đủ.

- Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT): Người bệnh sẽ được tiêm chất cản quang trước khi chụp để làm nổi bật bất kỳ tắc nghẽn nào trong động mạch chi dưới.

- Chụp mạch máu: Trong chụp mạch máu, tia X cũng được sử dụng để xác định xem mảng xơ vữa có gây tắc nghẽn mạch máu hay không. Quá trình này thường đòi hỏi gây tê tại chỗ và đưa một ống thông vào động mạch đùi để kiểm tra và tiêm chất cản quang làm nổi bật lòng mạch máu. Bác sĩ có thể di chuyển ống thông đến khu vực ở chân để kiểm tra tình trạng hẹp, giãn rộng hoặc tắc nghẽn trong lòng mạch máu.

Làm cách nào để điều trị bệnh động mạch chi dưới?

- Phương pháp điều trị bằng thuốc:

Các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để kiểm soát tình trạng huyết áp cao, mức cholesterol, và đái tháo đường - những yếu tố có thể góp phần vào bệnh động mạch chi dưới. Điều quan trọng là việc sử dụng thuốc phải tuân thủ suốt đời.

- Phương pháp điều trị phẫu thuật: Khi thay đổi lối sống và sử dụng thuốc không đủ để kiểm soát hoặc giảm triệu chứng đau của bệnh động mạch chi dưới, bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật để loại bỏ tắc nghẽn và ngăn chặn sự hình thành các khối mới, bao gồm các phương pháp sau đây:

+ Bóc tách nội mạc động mạch: Đây là một phương pháp phổ biến và hiệu quả để điều trị bệnh động mạch chi dưới. Quy trình này bao gồm làm sạch động mạch bị tắc nghẽn bằng cách cạo hoặc cắt bỏ mảng xơ vữa. Bệnh nhân sẽ được gây tê cục bộ và sau đó, thuốc cản quang được sử dụng để giúp bác sĩ xác định vị trí cụ thể của tắc nghẽn trên phim chụp X-quang.

+ Nong động mạch bằng bóng và đặt stent: Thay vì phẫu thuật bóc tách nội mạc động mạch, bác sĩ có thể thực hiện phương pháp nong động mạch bằng cách sử dụng một bóng và đặt một stent. Đây là một phương pháp đơn giản hơn và thường không đòi hỏi gây tê toàn bộ cơ thể. Quá trình này bao gồm việc đẩy một quả bóng qua ống thông để mở rộng động mạch bị tắc nghẽn, sau đó đặt một stent tại vị trí để duy trì sự thông thoáng của động mạch.

+ Phẫu thuật bắc cầu: Khi các phương pháp trên không phải lúc nào cũng thích hợp, bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật bắc cầu. Quy trình này cho phép tạo ra một "tuyến đường mới" để máu có thể chảy qua động mạch bị tắc nghẽn, khôi phục lưu lượng máu đến chân. Lợi ích lớn nhất của phẫu thuật bắc cầu là có thể tránh được việc cắt bỏ chi dưới do hoại tử.

- Thay đổi lối sống: Thói quen ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh động mạch chi dưới và ngăn ngừa tái phát sau khi đã được điều trị. Hút thuốc, béo phì, huyết áp cao và đái tháo đường không kiểm soát đều có thể gây ra tắc nghẽn động mạch chi dưới.

Bệnh động mạch chi dưới là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thiếu máu chi dưới với những biểu hiện: Đau cách hồi, lở loét, hoại tử chi. Mong rằng bài viết đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích để điều trị và phòng tránh biến chứng của bệnh. 

Tags: Tê bì chân tay , Huyết khối tĩnh mạch , Điều trị huyết khối tĩnh mạch
 ĐĂNG KÝ GẶP DƯỢC SỸ
  • Currently 0/5
Vì sao bệnh động mạch chi dưới gây thiếu máu chi dưới?
Điểm trung bình: 0 / 5 (0 lượt đánh giá)
Tin tức